icon icon icon

Thực hư tin đồn đình công, hàng hóa 'chất đống' trong kho các đơn vị giao hàng

Đăng bởi CÔNG TY TNHH ĐÁ CẮT ĐÁ MÀI VIỆT vào lúc 31/01/2024

Thực hư tin đồn đình công, hàng hóa 'chất đống' trong kho các đơn vị giao hàng

  

Giao thương | Thứ tư, 31/1/2024 | 08:28 GMT+7 

Thời điểm này, lưu thông hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đang diễn ra chậm chạp, trì trệ hơn bao giờ hết. Tình hình này đã và đang gây ra sức ép không hề nhỏ lên các đơn vị giao hàng và các bên liên quan.

Cấp thiết dự phòng rủi ro ‘đường đi’ cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt NamHàng hoá nhộn nhịp qua cửa khẩu Việt - Trung dịp cận Tết

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao thông tin một số đơn vị vận chuyển lớn đã xảy ra đình công, khiến hàng hóa tồn kho đúng dịp cao điểm mua sắm mùa Tết. Trước thông tin này, nhiều người bán và cả người mua không khỏi hoang mang.

Người mua, người bán “ngồi trên đống lửa”

Trao đổi với Vnbusiness, anh Ngọc Quý (Hà Nội), chủ một shop giày dép online, cho biết cửa hàng đã giao hàng của khách cho đơn vị vận chuyển nhiều ngày nhưng khách hàng vẫn chưa nhận được.

“Mấy ngày nay mình đang vướng hơn 1.200 đơn trong Giao hàng nhanh, gần 400 đơn trong Giao hàng tiết kiệm, tổng giá trị gần 800 triệu đồng. Trước mắt, cửa hàng đã thông báo với khách hàng về việc không nhận đơn đi tỉnh và ngoại thành Hà Nội vì không thể tìm được đơn vị vận chuyển, còn về các đơn đang bị tồn kho thì không biết phải xoay thế nào vì gọi cho các đơn vị kia không nhận được phản hồi tích cực”, anh Quý chia sẻ.

-5446-1706612035.png

Quá tải giao dịch dẫn đến hàng hóa chậm lưu thông, chất đống trong các kho lưu trữ.

Không chỉ anh Quý mà hầu hết các chủ cửa hàng đều đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi hàng hóa thất lạc, ngay cả khi lấy về được cũng khó có thể thể tìm được công ty giao hàng ưng ý. Trong khi đó, tiền hàng chưa nhận được thì hàng loạt các khoản tiền như chạy quảng cáo, nhân sự, mặt bằng,... bắt đầu đổ dồn. Điều này gây áp lực không nhỏ lên các chủ cửa hàng ngay dịp cao điểm bán hàng trong năm.

Là một người mua hàng online quen thuộc, bạn Thu Huyền (Hà Nam) cũng khó tránh khỏi bồn chồn vì các đơn hàng đã thất lạc gần 1 tuần chưa thấy giao, trong khi đó khoảng cách vận chuyển lại không hề xa.

“Tuần trước mình đã đặt liền mấy đơn hàng Tết, cứ yên tâm đặt sớm thì hàng về sớm vậy mà gần nghỉ Tết về quê rồi lại chưa nhận được bất cứ một đơn nào. Đơn thì lưu kho, đơn lại báo đang thất lạc ở Vĩnh Phúc. Ngoài sốt ruột chờ đợi thì không biết làm thế nào nữa cả”.

Không có chuyện đình công hay từ chối chuyển phát hàng hóa

Trả lời báo chí về loạt thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, đại diện công ty Giao hàng tiết kiệm cho biết hoàn toàn không có chuyện nhân viên của đơn vị này đình công, từ chối chuyển phát hàng hóa cho khách hàng.

“Trong hai tuần giáp Tết Nguyên đán gần đây, lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành. Chúng tôi cam kết ngay trong tuần này sẽ nỗ lực để thúc đẩy việc xử lý đơn hàng, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng”, đại diện Giao hàng tiết kiệm thông tin.

Năm 2023 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử. Số liệu do Metric nghiên cứu trên 5 sàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay (bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) cho thấy 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm đã được giao thành công, tương ứng tăng 52,3% so với năm trước. Theo đó, các chương trình khuyến mãi, thanh toán tiện lợi và livestream được đánh giá là động lực khiến người dùng “chốt đơn” ầm ầm, mang lại doanh thu tăng vọt cho người bán.

Đó là chưa kể xu hướng này còn vô cùng phổ biến và được ưa chuộng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,... Do vậy có thể hình dung lượng giao dịch và doanh thu từ hình thức bán hàng online sẽ còn lớn hơn bao giờ hết.

Mặt khác, lượng giao dịch tăng mạnh cũng kéo theo việc các đơn vị giao hàng rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là vào mỗi dịp cao điểm khuyến mãi mua sắm như dịp Tết này.

Nói về tình hình lưu thông thời điểm này, Đại diện Công ty Chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam cho biết, càng gần Tết Nguyên Đán, lượng đơn hàng đổ về càng nhiều, đội ngũ nhân viên phải làm việc với 200% công suất mới kịp cho hàng loạt đơn Tết. Trong tháng cuối năm, công ty phải triển khai tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới đảm bảo khả năng phục vụ liên tục.

Tại bưu cục J&T Express TP. HCM, số lượng đơn hàng đổ về dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nếu so với cùng kỳ năm ngoái đơn hàng tăng khoảng 20%. Bên cạnh những đơn hàng tiêu chuẩn, mùa Tết này cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến của các đơn hàng như hoa mai, chậu lan, đào, bàn ghế... Khối lượng và kích thước lớn khiến thời gian giao hàng kéo dài, giá ship cho dịch vụ giao hàng tăng cao.

Trước tình cảnh này, để hạn chế thiệt hại về chi phí và tránh mất uy tín với khách hàng, nhiều chủ cửa hàng phải cân đo đong đếm tới các phương thức gửi hàng qua bưu điện, xe khách,... Tuy vậy những phương thức này còn nhiều hạn chế về giá cả, tốc độ, sự tiện lợi,...

Về phía người mua cần chủ động tiếp cận các các kênh mua sắm ở gần với hình thức giao dịch trực tiếp, đồng thời liên hệ với người bán để tìm ra phương án giải quyết phù hợp nhất.

Đối diện với tình trạng quá tải đơn hàng dẫn đến thời gian đi đơn chậm, mọi cá nhân, đơn vị đều có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, hàng hóa, phương án dự phòng. Trong tình cảnh này, người được lợi hơn cả sẽ là những cá nhân, cửa hàng chủ động ứng phó và thích ứng với hoàn cảnh, bởi rõ ràng quá tải hơn hàng dịp mua sắm cao điểm là khó tránh khỏi, nhất là trong thời đại “chốt đơn” trực tuyến lên ngôi như hiện nay.

 

Nguồn: https://vnbusiness.vn/giao-thuong/thuc-hu-tin-don-dinh-cong-hang-hoa-chat-dong-trong-kho-cac-don-vi-giao-hang-1098109.html

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: