icon icon icon

Quốc hội tiếp tục thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bình đẳng giới

Đăng bởi CÔNG TY TNHH ĐÁ CẮT ĐÁ MÀI VIỆT vào lúc 29/05/2024

Quốc hội tiếp tục thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bình đẳng giới

Thời cơ, thách thức đối với nền kinh tế hay vấn đề "sát sườn" thu ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và bình đẳng giới sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến.

Hôm nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bình đẳng giới... (Ảnh: TTXVN)
Hôm nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bình đẳng giới... (Ảnh: TTXVN)

 

Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (29/5), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ Chín (được truyền hình, phát thanh trực tiếp) với thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Tiếp theo, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề.

Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01, 02 và các Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

z5480975719628_7532dd35baef6598a58f4a27a340a632.jpg
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. (Nguồn: TTXVN)

Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố.

Tuy nhiên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận thực tế, bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác bình đẳng giới.

Nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác bình đẳng giới nói chung và cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 vẫn còn khiêm tốn.

Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp một số khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ.

Một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chủ động xác định vấn đề giới, trách nhiệm giới, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các dự thảo văn bản. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm định văn bản và cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong đánh giá, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-tiep-tuc-thao-luan-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-binh-dang-gioi-post955938.vnp