icon icon icon

Hút 400 tấn vàng trong dân bằng chứng chỉ vàng, trả lãi như gửi tiền tiết kiệm

Đăng bởi CÔNG TY TNHH ĐÁ CẮT ĐÁ MÀI VIỆT vào lúc 29/01/2024

Hút 400 tấn vàng trong dân bằng chứng chỉ vàng, trả lãi như gửi tiền tiết kiệm

 

Chứng chỉ vàng cần do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ này sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.

Trong cuộc tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” mới đây, có ý kiến cho hay, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ.

Liệu đây có phải là giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn, bền vững; cũng như hạn chế việc mua vàng về bỏ tủ, cất két trong dân?

Chia sẻ với PV. VietNamNetông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước.

Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.

Theo ông Khánh, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đã bàn với NHNN về việc này từ lâu, nhưng làm phải có bài bản, phải nghiên cứu và đây là vấn đề lâu dài.

 

W-chung-chi-vang-1.jpg Theo chuyên gia, phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng lưu thông, giúp ích nền kinh tế. (Ảnh: Nguyễn Huế)

“Trước mắt, chúng ta phải giải quyết vấn đề vàng vật chất hiện nay, cũng như công điện của Thủ tướng về vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới; nguyên liệu chế tác nữ trang... Cần phải làm thứ tự. Nếu ra nghị định mới về quản lý thị trường vàng, tất cả những vấn đề này cũng cần được đề cập và triển khai lần lượt từng giai đoạn", ông Khánh lưu ý.

Vị này cho rằng, khi có chủ trương, Hội đồng Vàng Thế giới cũng như Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam sẵn sàng kết hợp cùng NHNN, cơ quan chức năng đi tìm hiểu các thị trường lân cận như Singapore, Trung Quốc... những nơi có chứng chỉ vàng, sàn giao dịch vàng hoạt động để nghiên cứu, từ đó có cách làm riêng của mình. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng bày tỏ, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ đó của dân vào nền kinh tế, để lưu thông.

“Nhìn nhận quyền sở hữu vàng nhưng không tạo điều kiện đưa vàng vào lưu thông thì mỗi nhà đầu tư, mỗi người dân chỉ biết mua vàng vật chất về cất trữ. Nếu tạo điều kiện cho họ cất trữ, lại có lợi cho nền kinh tế thì người dân hay nhà đầu tư sẽ sẵn sàng, lãi suất không cần quá cao” - ông Khánh nói thêm.

Ngoài chứng chỉ chứng nhận vàng, vị chuyên gia cũng góp ý, để thị trường phát triển an toàn, bền vững, nguyên tắc đầu tiên là NHNN cần kiểm soát, không để tự phát.

Vấn đề lập sàn giao dịch vàng cũng đã bàn nhiều, nếu hình thành, NHNN, Bộ Tài chính hay Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát được việc mua bán vàng; thậm chí còn cân đối được cung - cầu trong nước, khi cầu quá lớn, cung không đủ mới cần nhập khẩu về.

“Sàn giao dịch vàng, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng vào nền kinh tế. Còn hiện nay, vàng vẫn 'nằm chết' một chỗ với số lượng lên đến vài trăm tấn”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ủng hộ giải pháp phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, giải pháp này sẽ giúp huy động số vàng hàng trăm tấn đang nằm trong dân để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông lưu ý: “Ai là người phát hành chứng chỉ vàng? Chỉ có thể là NHNN, cơ quan này cũng sẽ huy động số vàng đó, phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng cho người dân để họ gửi vàng. Chứng chỉ này của NHNN phải có lãi, cũng như một loại tiết kiệm”.

Theo ông Hiếu, có thể xem xét quỹ tín thác vàng tại thời điểm này, nhưng chưa phải lúc thực hiện. Trước mắt, cần có sàn giao dịch vàng để mọi thành phần cập nhật, thông tin thông suốt.

Riêng với vấn đề nhập khẩu vàng, ông Hiếu nhấn mạnh lại đề xuất trước đó, rằng NHNN nên giao việc nhập khẩu vàng cho các công ty có uy tín, có năng lực tài chính. Đồng thời, rút lại thương hiệu vàng quốc gia SJC để tạo ra một thị trường cạnh tranh cho tất cả các thương hiệu vàng, dần dần thị trường sẽ phát triển ổn định.

 

 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/hut-400-tan-vang-trong-dan-bang-chung-chi-vang-tra-lai-nhu-gui-tien-tiet-kiem-2244383.html

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: