icon icon icon

Đo nồng độ cồn sao cho hiệu quả? (*): Đánh giá toàn diện, cân nhắc kỹ càng

Đăng bởi CÔNG TY TNHH ĐÁ CẮT ĐÁ MÀI VIỆT vào lúc 07/12/2023

Đo nồng độ cồn sao cho hiệu quả? (*): Đánh giá toàn diện, cân nhắc kỹ càng

 

Trước khi ban hành chính sách, phải đánh giá vấn đề toàn diện trên cơ sở cân nhắc ưu - nhược điểm, tác động của chính sách đến người dân, sinh kế và cả những kẽ hở có thể bị lạm dụng…

Bạn đọc KIM CƯƠNG:

Nghiên cứu kỹ để thực hiện hợp lý

Mục đích lớn nhất của việc kiểm tra nồng độ cồn là nhằm xử phạt tài xế say xỉn, bảo đảm an toàn giao thông chứ không đơn thuần là đo sinh học nồng độ cồn. Ngay cả các nhà khoa học cũng không thể trả lời câu hỏi: Bao nhiêu mg/ lít khí thở thì không kiểm soát được hành vi khi lái xe? Bởi mỗi người có tửu lượng, giới hạn sức khỏe, khả năng tiếp nhận và đào thải rượu, bia khác nhau.

Do vậy, đã là luật cấm thì phải quy định cứng rắn, không thể ra giới hạn là 0,2 hay 0,4 mg/lít khí thở được. Quy định nồng độ trong máu bằng 0 đối với người tham gia giao thông sẽ giúp người dân xem xét lại thói quen uống rượu, bia của mình. Pháp luật không cấm chuyện uống rượu, bia nhưng nếu ai muốn uống thì đừng lái xe.

Có nhiều người ý kiến rằng không nên đặt mức nồng độ cồn bằng 0 mà nên áp dụng "vùng xanh" như phần lớn các quốc gia đang áp dụng, để bảo đảm ngăn chặn việc uống rượu, say xỉn vẫn tham gia giao thông nhưng đồng thời không bị "dương tính giả" với nồng độ cồn do các yếu tố khác. Ý kiến này không hẳn đã sai nhưng việc áp dụng ở nước ta cần có thời gian, nghiên cứu thiệt hơn để thực hiện một cách hợp lý nhất có thể.

Ngoài chuyện "vùng xanh", việc xác định thời gian dễ phát sinh tai nạn giao thông (TNGT), những cung đường, điểm nóng nào thường xuyên có tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia để lập chốt kiểm tra cũng rất quan trọng. Vào ban ngày, giờ cao điểm người dân đi học, đi làm nhưng lại dừng xe kiểm tra nồng độ cồn như vừa qua là không hợp lý.

Phòng CSGT, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Ý LINH

Phòng CSGT, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Ý LINH

Trong thực tế, nhu cầu uống rượu, bia của người dân là có thật. Chúng ta thường sử dụng rượu, bia trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết, hội họp, gặp mặt... hay ma chay... Đó là phong tục, tập quán bao đời nay. Việc tôn trọng thời gian, hình thức và cách làm văn minh, không gây căng thẳng, nguy hiểm cho người dân là rất cần thiết. Chỉ có như vậy, người dân mới hợp tác đo nồng độ cồn.

Ngoài ra, cùng với yêu cầu của thực tế, chính quyền nên có các trạm đo nồng độ cồn tự động, miễn phí được kiểm soát, kiểm định đầy đủ để người dân tự kiểm tra trước khi tham gia giao thông. Đây là để kiểm tra chéo, để đối chứng với máy đo nồng độ cồn của cơ quan chức năng trong trường hợp có tranh cãi hoặc máy đo có sai số về kỹ thuật.

Về lâu dài cần có cách làm phù hợp để không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp rượu bia, dịch vụ du lịch, giải trí - là những ngành nộp thuế cao cho ngân sách. Trước khi ban hành chính sách để thực thi phải đánh giá vấn đề toàn diện trên cơ sở cân nhắc ưu - nhược điểm, tác động của chính sách đến người dân, sinh kế và cả những kẽ hở có thể bị lạm dụng…

 

 

Nguồn: https://nld.com.vn/do-nong-do-con-sao-cho-hieu-qua-danh-gia-toan-dien-can-nhac-ky-cang-196231206210305084.htm

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: