icon icon icon

CÁCH SƠ CỨU CHẢY MÁU CAM (MŨI) NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ, AN TOÀN

Đăng bởi CÔNG TY TNHH ĐÁ CẮT ĐÁ MÀI VIỆT vào lúc 06/05/2024

CÁCH SƠ CỨU CHẢY MÁU CAM (MŨI) NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ, AN TOÀN

Khoảng 60% dân số từng bị chảy máu cam ít nhất 1 lần trong đời và 10% trong số đó là trường hợp nghiêm trọng cần được điều trị hoặc can thiệp y tế. Đây là bệnh phổ biến nhất về tai mũi họng ở trẻ em từ 2 – 10 tuổi và người già từ 50 – 80 tuổi. Việc biết cách sơ cứu chảy máu cam (mũi) nhanh chóng, hiệu quả, an toàn sẽ giúp bạn không còn lo âu và biết cách xử trí phù hợp khi mình hoặc những người xung quanh bị chảy máu cam. (1)

sơ cứu chảy máu cam

Hướng dẫn cách sơ cứu chảy máu cam bài bản

Các biện pháp sơ cứu chảy máu cam gồm: (2)

  • Ngồi dậy (sao cho đầu cao hơn tim), hơi nghiêng người về phía trước và thở bằng miệng.
  • Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp phía trước mũi (ngay phía trên lỗ mũi và bên dưới phần gốc xương cứng) và giữ trong 5 phút.
  • Đồng thời, dùng tay còn lại chườm túi đá hoặc túi nilon đựng đá vụn lên sống mũi để máu chảy chậm lại.
  • Sau khi bịt mũi trong 5 phút, hãy thả tay ra để xem mũi có còn chảy máu không. Giữ túi nước đá trong 10 – 15 phút nữa.
  • Nếu mũi vẫn còn chảy máu, hãy bóp mũi thêm 10 phút nữa.
  • Thả ra. Nếu mũi vẫn còn chảy máu thì đây là thời điểm cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.

Sai lầm cần tránh khi sơ cứu chảy máu mũi

  • Không nhét mũi bằng khăn giấy hoặc các vật dụng gia đình khác như băng vệ sinh dạng ống. Khi nhiều người bị chảy máu mũi, điều đầu tiên họ nghĩ đến là nhét bông, khăn giấy hoặc gạc vào mũi vì nghĩ rằng như vậy sẽ cầm được máu. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến khích điều này, bởi không thể đảm bảo tính vô trùng của tất cả các chất liệu thông thường, đặc biệt là những chất liệu tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mũi. Nếu dụng cụ cầm máu không sạch sẽ dễ gây nhiễm trùng. Điều này có thể làm cho tình trạng chảy máu mũi tồi tệ hơn.
sai lầm khi sơ cứu chảy máu cam
Không nên sử dụng khăn giấy để nhét vào mũi khi đang chảy máu cam
  • Không ngửa đầu ra sau hoặc nằm thẳng. Hành động này hoàn toàn sai lầm và có thể gây hậu quả cho sức khỏe. Động tác ngửa đầu ra sau khi chảy máu cam có thể khiến máu chảy ngược xuống cổ họng, nơi máu chảy ra và có thể gây nghẹt thở. Nếu nuốt phải máu cam, nó có thể gây buồn nôn và nôn khi đi vào dạ dày.
  • Không nâng vật quá nặng hoặc thực hiện các hoạt động thể chất quá sức. Có thể mất đến 2 tuần để vết thương lành sau khi chảy máu cam.
  • Nhiều người cho rằng thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý có thể làm ẩm niêm mạc mũi, tránh khô mũi, chống chảy máu cam. Tuy nhiên, quan niệm này là không chính xác, nhỏ nước muối sinh lý vào niêm mạc mũi không phải là giải pháp lâu dài, bởi nó chỉ làm ẩm mũi tức thì, về lâu dài sẽ khiến mũi bị khô hơn. Ngay cả việc sử dụng máy tạo độ ẩm cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ, cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp tránh được tình trạng chảy máu cam.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi nhẹ đều có thể tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu máu vẫn chảy không ngừng sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cần gọi cho bác sĩ hoặc tìm đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức, đặc biệt là khi gặp các tình trạng sau: (3)

  • Chảy máu mũi xảy ra sau một chấn thương.
  • Thường xuyên chảy máu mũi.
  • Chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút mặc dù đã áp dụng các biện pháp cầm máu.
  • Chảy máu khi đang dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin (Coumadin), dabigatran (Pradaxa), rivaroxaban (Xarelto), fondaparinux natri (Arixtra), hoặc aspirin, hoặc bị rối loạn chảy máu.
  • Mất nhiều máu.
  • Xảy ra tình trạng khó thở.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi bị chảy máu cam.
  • Có các triệu chứng thiếu máu như tim đập nhanh, khó thở và da nhợt nhạt
  • Nuốt một lượng lớn máu khiến người bệnh nôn mửa
  • Chảy máu cam sau một chấn thương nghiêm trọng như tai nạn giao thông. 

Bác sĩ sẽ hỏi thăm tiền sử sức khỏe, đồng thời xem xét các loại thuốc hiện tại người bệnh đang sử dụng. Các yếu tố tiềm tàng phổ biến gây ra chảy máu cam bao gồm:

  • Khí hậu trong nhà nóng và khô: đây là nguyên nhân gây chảy máu cam khi người dân sử dụng đồ sưởi trong mùa đông. Không khí nóng và khô trong nhà khiến da mũi mỏng manh dễ bị nứt và chảy máu. Chảy máu cam cũng thường xuyên xảy ra khi thời tiết chuyển mùa vì các mô chưa quen với sự thay đổi độ ẩm trong không khí.
  • Lệch vách ngăn: nếu vách giữa hai lỗ mũi bị lệch sang một bên, luồng không khí trong lỗ mũi sẽ không đều, khiến da của vách ngăn mũi ở phía hẹp hơn trở nên khô và nứt nẻ, làm tăng nguy cơ chảy máu.
nguyên nhân chảy máu cam
Chấn thương khi tham gia các bộ môn thể thao và võ thuật có thể gây chảy máu cam
  • Cảm lạnh và dị ứng: nhiễm trùng đường hô hấp trên và dị ứng gây viêm mũi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Tình trạng sung huyết có thể khiến các mạch máu giãn ra và dễ tổn thương hơn. Xì mũi mạnh để làm sạch mũi cũng có thể khiến mũi chảy máu hoặc bắt đầu chảy máu trở lại sau khi tình trạng đã được kiểm soát.
  • Tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng: thủ phạm chính là khói thuốc lá, thậm chí là khói thuốc lá thụ động. Người bệnh cũng có thể bị chảy máu cam do tiếp xúc với axit sunfuric, amoniac, xăng hoặc các chất kích thích hóa học khác tại nơi làm việc.
  • Bệnh: bao gồm suy thận, giảm tiểu cầu (mức thấp của tiểu cầu trong máu cần thiết cho quá trình đông máu), huyết áp cao và rối loạn đông máu di truyền như máu khó đông.
  • Uống nhiều rượu: sẽ gây cản trở hoạt động bình thường của tiểu cầu trong máu, và làm tăng thời gian để hình thành cục máu đông. Chúng cũng làm cho các mạch máu bề mặt giãn ra, khiến chúng dễ bị thương và chảy máu hơn.
  • Các loại thuốc cản trở tiến trình đông máu: bao gồm thuốc làm loãng máu theo toa (thuốc chống đông máu) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin và ibuprofen (Aleve, Motrin và các loại khác).
  • Các loại thuốc vi lượng đồng căn và thực phẩm bổ sung: một số chất bổ sung chế độ ăn uống có chứa hóa chất làm thời gian chảy máu dài hơn. Ví dụ như đương quy, cỏ thơm, tỏi, gừng, bạch quả, nhân sâm và vitamin E.

Tùy theo nguyên nhân gây ra chảy máu mũi mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Bác sĩ có thể yêu cầu ước tính lượng máu đã mất dựa trên thời gian bị chảy máu và số lượng khăn ướt hoặc khăn giấy đã sử dụng. Sau đó bác sĩ sẽ xác định vị trí chảy máu. Nếu cần, bác sĩ có thể đưa ống nội soi vào mũi để xem vị trí chảy máu. Bác sĩ cũng sẽ đề xuất xét nghiệm máu khi người bệnh xuất hiện bất kỳ triệu chứng chảy máu bất thường nào.

cách sơ cứu chảy máu cam
Lượng máu đã mất có thể ước tính dựa trên thời gian chảy máu và số lượng khăn giấy đã sử dụng

Với các trường hợp chảy máu cam đơn giản, bác sĩ có thể điều trị bằng cách:

  • Bôi thuốc trực tiếp vào bên trong mũi để cầm máu.
  • Bịt kín (đốt) mạch máu bị thương bằng hóa chất, chẳng hạn như bạc nitrat hoặc bằng đầu dò điện.
  • Bịt mũi bằng gạc hoặc miếng bọt biển.
  • Liệu pháp laser: một chùm tia laser sẽ giúp đóng kín mạch máu.
  • Thuyên tắc mạch: nút đặc biệt được cắm vào mạch chảy máu sẽ chặn dòng máu.
  • Phẫu thuật: buộc chặt mạch giúp ngừng chảy máu.

Với một chút kiên nhẫn và sức ép, các biện pháp sơ cứu đơn giản có hiệu quả với hầu hết tất cả các trường hợp chảy máu cam không biến chứng. Ngay cả trường hợp chảy máu cam cần bác sĩ can thiệp y tế thường có thể được điều trị thành công bằng cách đốt, băng hoặc các lựa chọn khác, chỉ trừ trường hợp một số người bị chảy máu quá nhiều, mắc nhiều bệnh lý hoặc đang dùng thuốc chống đông máu có thể phải nhập viện để điều trị chảy máu cam.

Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ nếu máu tiếp tục chảy ra từ mũi, đặc biệt nếu bạn bị nghẹt mũi dai dẳng hoặc chảy nước mũi có mùi hôi. Ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người hút thuốc, đây có thể là triệu chứng của khối u bên trong mũi hoặc xoang. Ở trẻ nhỏ, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy dị vật mắc trong lỗ mũi.

Cách phòng ngừa chảy máu mũi

Có nhiều cách phòng ngừa chảy máu mũi mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà:

  • Không ngoáy mũi.
  • Nhẹ nhàng mỗi khi xì mũi.
  • Không hút thuốc.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm cho ngôi nhà, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.
  • Sử dụng nước muối xịt mũi không kê toa để dưỡng ẩm trong mũi.
  • Tránh chấn thương xảy ra ở mặt bằng cách thắt dây an toàn trong ô tô và sử dụng mũ đội đầu vừa vặn để bảo vệ khuôn mặt trong các môn thể thao va chạm, chẳng hạn như bóng đá hoặc karate.
  • Sử dụng thiết bị bảo hộ để tránh hít phải hóa chất gây kích ứng tại nơi làm việc.
  • Sử dụng thuốc thông mũi đúng theo hướng dẫn chỉ định (lạm dụng chúng có thể gây chảy máu cam).

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ tận tụy và giàu kinh nghiệm luôn có mặt 24/7 sẵn sàng ứng cứu với các tình trạng khẩn cấp y tế. Cùng đồng hành với các bác sĩ là hệ thống máy móc công nghệ kỹ thuật cao được nhập khẩu từ châu Âu như: Máy trợ thở kỹ thuật cao, máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO, máy theo dõi huyết động xâm lấn,… giúp giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Hy vọng thông qua bài viết độc giả đã trang bị thêm kiến thức về cách sơ cứu chảy máu cam nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. Một số người có nhiều khả năng bị chảy máu cam do môi trường, quá trình làm việc, các vấn đề sức khỏe hoặc sử dụng thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu cam. Nếu tình trạng chảy máu mũi nghiêm trọng và không đáp ứng được với các biện pháp sơ cứu thì cần liên hệ và đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức.

Nguồn: https://tamanhhospital.vn/so-cuu-chay-mau-cam/